HDV nước ngoài gia tăng hoạt động tại Việt Nam

Theo Luật Du lịch quy định về điều kiện được phép làm HDV cho các đoàn khách quốc tế, yêu cầu đầu tiên là phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ… Nhưng trên thực tế, khi đến các điểm du lịch lớn có đông du khách quốc tế như khách Hàn Quốc, Trung Quốc… không khó có thể nhận thấy có những đoàn khách, các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài sử dụng HDV nước ngoài không hợp pháp tại Việt Nam.

Như một số doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế tại Việt Nam không tổ chức kinh doanh mà chủ yếu lo các thủ tục về đặt phòng khách sạn, làm các thủ tục tại Việt Nam hoặc cho thuê hướng dẫn viên (HDV) có thẻ người Việt Nam… để lấy phí dịch vụ theo đầu người. Thực trạng đó có thể dẫn tới hàng loạt nguy cơ có thể ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch, văn hóa Việt Nam.

khach-du-lich-quoc-te-den-viet-nam

Tại TP Hồ Chí Minh, đoàn thanh tra du lịch đã kiểm tra một khách sạn trên đường Kỳ Đồng (quận 3) và phát hiện đoàn khách 56 người Trung Quốc, do ông Nong Wei (quốc tịch Trung Quốc) làm HDV. Đây là đoàn khách của một công ty Trung Quốc ký hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Thảo Nguyên tại phường 10, quận Gò Vấp thực hiện tour du lịch. Đồng thời, Công ty TNHH Du lịch Xây dựng quốc tế Sao Bắc có trụ sở ở quận 3 vào cuối tháng 10 cũng bị phạt 12,5 triệu đồng và tước giấy phép lữ hành quốc tế 3 tháng. Hoạt động chủ yếu của công ty này là đặt phòng cho đối tác Hàn Quốc còn các dịch vụ khác như thuê xe, vận chuyển, HDV đều do đối tác Hàn Quốc đảm nhiệm.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Thăng Long GTC cho rằng: “Hoạt động này chúng tôi đã phản ánh nhiều nhưng khả năng quản lý những thị trường như vậy rất khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài không đóng thuế, tạo môi trường kinh doanh không công bằng, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam được hưởng lợi rất nhỏ từ việc cho các công ty lữ hành “núp bóng” thì việc HDV hoạt động “chui” cũng làm ảnh hưởng tới truyền thông về du lịch Việt Nam tới khách du lịch quốc tế theo hướng không chuẩn. Trong khi, kinh phí xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam cho khách quốc tế lấy từ ngân sách nhà nước thì các doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp Việt Nam lẽ ra phải được phục vụ khách quốc tế do chúng ta quảng bá”.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: “Xét trên góc độ nhà quản lý thì kiểm tra và ngăn ngừa quyết liệt thì có thể làm được, nhưng trước mắt theo tôi phải cân đối giữa những mặt tích cực và tiêu cực, cái được và cái mất của việc làm đó”. Tổng cục Du lịch cũng có những kế hoạch và quan điểm mềm mại trong việc này, có ý kiến đưa ra là HDV nước ngoài có thể coi như là người chuyển ngữ, là HDV hỗ trợ.

Phía du lịch Việt Nam cũng cần có những chuẩn hóa về kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội, pháp luật,… cho họ. Hiện nay, HDV nói tiếng Hàn cũng như tiếng Nga, Trung Quốc đang không theo kịp nhu cầu. Trong khi đó những người đi lao động tại các thị trường Hàn Quốc hay Nga khi trở về không đáp ứng được yêu cầu về điều kiện nghiệp vụ là phải tốt nghiệp trình độ đại học trở lên để trở thành HDV du lịch. Nếu chúng ta không chấp nhận thực tế này thì có thể lượng khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam sẽ giảm nhanh chóng do các công ty kinh doanh lữ hành quốc tế của Việt Nam không thể cạnh tranh về giá với kiểu làm từ A-Z của các công ty du lịch Hàn Quốc.

Vì vậy, theo nhận định của ông Mai Tiến Dũng, luật cũng cần điều chỉnh sao cho hợp lý và phù hợp để HDV nước ngoài có thể tham gia hướng dẫn du lịch tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *