Chiều dần buông trên những con đường mòn lối cỏ, nhưng với mỗi du khách thập phương, dù đến từ các quốc gia khác nhau, tất cả đều tập trung về đây để cùng chiêm ngưỡng nét đẹp hoang sơ, tĩnh mịch của khu tháp cổ.
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 70 km về phía Nam là vùng tháp cổ Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có từ hơn 16 thế kỷ qua. Đây từng là nơi cúng tế vương triều Chămpa, cũng như lăng mộ các vị vua Chămpa, các hoàng thân, quốc thích. Vào năm 1999, Tháp cổ Mỹ Sơn đã trở thành di sản văn hóa thế giới thứ hai tại Quảng Nam, sau phố cổ Hội An.
Đầu xuân đến thăm tháp cổ, toàn bộ kiến trúc tháp được xây dựng bởi những viên gạch nung, mà qua hàng ngàn năm vẫn giữ màu đỏ tươi, in đậm nhiều dấu hoa văn, thể hiện sự khéo léo của cộng đồng người Chămpa.
Điều đầu tiên hút hồn du khách lần đầu đến đây là khu tháp cổ hiện lên trầm mặc, kiêu hãnh như một nàng công chúa ngủ quên, hàng ngàn năm trong những câu chuyện cổ tích. Mà qua thời gian, nàng công chúa ấy vẫn gieo vào lòng người những suy nghĩ, những điều băn khoăn khi đến với vùng tháp cổ này. Tháp cổ Mỹ Sơn được nhiều người ví như một thung lũng đá, là “thế giới” của các loại đá với muôn hình vạn trạng, nhưng trên mỗi hòn đá,có các hình hoa văn vẽ rất đẹp, thể hiện sự khéo léo của người xưa. Và ở nơi được mệnh danh là thung lũng đá đó, chứa nhiều yếu tố tâm linh huyền bí. Nơi có dòng sông thiêng tượng trưng cho nữ thần Ganga, có núi Chúa, Hòn Đền, đỉnh núi thiêng theo tín ngưỡng của người Champa.
Và Hòn Đền là nơi lưu giữ dấu ấn của ngôi đền xưa, cón đỉnh núi Chúa ngàn năm vẫn nhô ra như cánh chim thần Garuda huyền bí, khổng lồ. Nhiều người còn ví thánh địa Mỹ Sơn giống công viên lịch sử Agutthây của Thái Lan. Bởi toàn bộ kết cấu của công viên này cũng làm từ những laoị gạch nung hàng nghìn năm trước.
Những khối đá cổ tồn tại hàng nghìn năm
Điều thú vị nhất khi đến thăm quan khu tháp cổ hàng nghìn năm tuổi này, có lẽ đó là điệu múa Apsara đầy quyến rũ, mê hoặc. Những nàng vũ nữ ngực căng tròn, đầu đội từng chiếc bình cổ uốn éo theo điệu khèn, và uyển chuyển múa theo tiếng trống Paranưng và tiếng khèn Sarani của người Chăm.
Tháp cổ trầm mặc hàng nghìn năm qua
Chiều muộn, từng chiếc lá vàng rơi trên phiến đá cổ, điệu nhạc, tiếng khèn như đưa ta vào xứ sở của người Chăm xưa, cách đây hàng mấy nghìn năm. Ánh hoàng hôn đỏ quạch, in từng bóng người trên vách đá, làm cho chiều Mỹ Sơn thêm phần linh thiêng, huyền bí. Bất chợt câu hát “mưa bay tháp cổ” hiện lên làm ta thêm phần lưu luyến khi rời xa mảnh đất này: “Mưa bay tháp cố/ mưa bay trên đá/ trăm năm bước phù du/ Hoang sơ tháp cổ/ Hoang sơ vũ điệu xưa… Như dắt nẻo ta về hàng nghìn năm trước, nơi ghi lại dấu ấn của vua chúa, của cộng đồng người Chăm xưa.