Trở về không gian xưa với chợ nón Gò Găng – Bình Định

Leo lét ánh đèn đêm, không có sự hiện diện của của ánh sáng đèn điện, người mua kẻ bán chậm rãi từ tốn, nói năng nhẹ nhàng, ánh mắt xa xăm và nụ cười nở trên môi trong không gian tĩnh mịch của những người họp chợ. Đó là điểm độc đáo và riêng biệt chỉ có ở chợ nón Gò Găng – Bình Định

Nếu bạn có dịp đi ngang An Nhơn đất Bình Định, đừng quên dành thời gian ghé lại phiên chợ độc đáo này để cảm nhận thêm về một nét đẹp văn hóa của mảnh đất đầy nắng gió nhưng sâu nặng nghĩa tình này và để hoài niệm về một quá khứ hào hùng của đội quân người anh hùng áo vải. Chợ nằm cách thành phố Qui Nhơn khoảng 30 km về phía Bắc, thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn và chỉ họp từ khoảng tầm 3h, 4h sáng.

Điểm đặc biệt thứ nhất của chợ Gò Găng là chợ họp lúc trời nhá nhem và và tan khi trời hưng hửng sáng. Thế nên chợ còn được gọi là chợ gà gáy. Điểm đặc biệt thứ hai là chợ chỉ bán một món hàng duy nhất là nón lá thô, vật dụng làm nón. Các hoạt động bán mua diễn ra dưới ánh đèn dầu le lói, chỉ đủ để người mua kẻ bán xem chất lượng nón và nhìn thấy đồng tiền đưa qua thối lại.

1

Là chợ nhưng chợ nón đêm Gò Găng không xô bồ ồn ào, chỉ đủ làm lao xao một góc miền quê tĩnh mịch. Các chị, các cô khi hoàn thành xong khoảng 10 – 20 chiếc nón lại mang đến chợ bán. Mỗi ngày người làm giỏi làm được khoảng 7 – 10 cái nón với giá 10.000 đồng. Nghề làm nón thu nhập không cao nhưng tận dụng được thời gian rảnh rỗi lúc nông nhàn.

Ở chợ nón, người mua, người bán dường như đều quen biết nhau, cách xưng hô đầy thân mật , giọng xứ nẫu nghe chân chất. Bán xong mấy chồng nón, các cô lại mua các vật dụng dùng để làm nón và trở về để ra đồng. Tan chợ, những người thu mua nón vận chuyển nón Gò Găng đến khắp mọi miền đất nước, có khi phân phối tận thị trường Lào, Campuchia.

3

Chợ nón Gò Găng được hình thành từ thời Tây Sơn, làng nghề ra đời chủ yếu phục vụ cho binh lính của vua Quang Trung với tên gọi nón ngựa. Trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, qui, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử và thay đổi của thời gian, chiếc nón Gò Găng bây giờ là sự kết hợp các chi tiết giữa nón bài thơ xứ Huế và nón ngựa Tây Sơn ngày xưa. Chợ nón họp vào giờ oái oăm được giữ từ xa xưa, mọi người theo thói quen đến bây giờ. Không còn ai nhớ phiên chợ đầu tiên là khi nào. Trải qua hàng trăm năm, chợ nón Gò Găng ngày càng sầm uất dưới ánh đèn leo lét, vừa đẹp vừa nên thơ, vừa mờ ảo.

Từ Nam chí Bắc, nón lá Gò Găng đã trở thành vật dụng thân thiết cho người lao động một nắng hai sương, cho các cô các chị đi chợ, đi chùa. Hình ảnh những cô gái, các bà, các chị miệt mài với từng mũi kim mũi chỉ, bàn tay mềm mại vuốt từng thếp lá nên thành thơ ca:

Gò Găng có nón chung tình

Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *