Khi lái xe trên con đường Đại Tây Dương, bạn có thể tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh quan tuyệt đẹp của đại dương, ngắm đàn chim biển chao lượn và sự trêu đùa của những con sóng.
Vào năm 2005, cung đường Đại Tây Dương được vinh danh là “Công trình thế kỷ của Na Uy” và trở nên nổi tiếng với khách du lịch. Tuyến đường du lịch quốc gia chạy qua hai thị trấn Na Uy, Kristiansund và Molde. Đây là những trung tâm dân cư tập trung đông ở hạt More og Romsdal của miền tây Na Uy.
Con đường Đại Tây Dương dài 8,3 km thuộc quốc lộ 64, chạy qua quần đảo và bờ biển Hustadvika, Na Uy. Cấu trúc đường được xây dựng trên một số hòn đảo nhỏ và đá ngầm mà tất cả được kết nối bởi những con đường đắp cao, gồm 8 cây cầu nhỏ bắc qua 8 hòn đảo với độ cong khác nhau nhằm phát huy tối đa khả năng chống chịu bão, gió từ biển Đại Tây Dương.
Tiền rót vào công trình này là một con số khổng lồ – 122 triệu krone (đồng Na Uy). Trong khi đó 75% vốn đến từ các khoản tài trợ công cộng và số còn lại cần phải thu là lệ phí qua cầu. Kế hoạch được đưa lên và thực hiện trong vòng 15 năm, nhưng con đường đã được hoàn vốn và trả hết chỉ trong 10 năm, vào tháng 6/1999.
Dọc theo đoạn khúc khuỷu của đường Đại Tây Dương, có một số bậc thềm dành cho khách du lịch dừng lại để thưởng thức vẻ đẹp danh lam thắng cảnh của khu vực. Một trong số những cảnh đẹp mà du khách không nên bỏ lỡ đó là ở phía bên ngoài cùng của đê chắn sóng tại đoạn đường mang tên Askevagen, mang đến cho du khách một cái nhìn tổng thể quần đảo, đại dương và bờ biển ở một góc 360 độ.
Tại đoạn Kjeksa, cũng có một khu vực ngắm cảnh với một con đường mòn và một bậc thềm. Đứng ở khu vực này, du khách sẽ nhìn thấy tuyến đường hàng hải và đại dương mở rộng ra. Địa hình tại đảo Geitoya mang đến cho du khách một điểm lí tưởng để chụp ảnh những cây cầu chụm lại với nhau.
Nếu bạn quan tâm đến câu cá nên đến khu vực mang tên Myrbaerholmbura, nơi người ta có thiết kế đặc biệt với những cây cầu cá chạy dọc ở hai bên đường. Nếu có cơ hội, du khách sẽ câu được một số loài cá ngon như cá tuyết hay cá thu khi dòng chảy thủy triều mạnh.
Cung đường còn hấp dẫn du khách bởi những đoạn dốc cao vút ngay trên mặt biển và thường đón nhận những con sóng bạo tàn trong mùa mưa bão. Những con sóng dồn dập tạo thành mái vòm trước khi đánh ập lên đường như muốn kéo phăng tất cả xuống đại đương, một cảm giác mạnh khiến nhiều người sợ hãi phải thốt lên điều gì đó.